
* Trước khi học sinh đến trường
Phòng GD&ĐT huyện đã chủ động tổ chức hội nghị bàn giải pháp triển khai dạy học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 giữa lãnh đạo Phòng với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cấp học. Thông qua hội nghị và hệ thống thông tin như trang website, hệ thống thông báo tin nhắn điện thoại, Zalo, facebook,... Phòng GD&ĐT đã yêu cầu tất cả đơn vị tổ chức tuyên truyền và quán triệt đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời các nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình sức khỏe của học sinh, giáo viên, nhân viên, cập nhật diễn biến dịch bệnh trên địa bàn để báo cáo với cấp học theo dõi, chỉ đạo.
Ban phòng chống Covid-19 trường học thực hiện vệ sinh khuôn viên, lau chùi khử khuẩn bàn ghế, dụng cụ học tập, hệ thống cửa, tay vịn cầu thang, lan can.. Các khu vực rửa tay, nhà vệ sinh được cải tạo, lắp đặt thêm và luôn đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng.
Trước khi học sinh đến trường nhân viên y tế và bảo vệ kiểm tra các trang thiết bị y tế: máy đo thân nhiệt; khẩu trang dự phòng; dung dịch sát khuẩn. Phòng y tế của nhà trường cũng được sử dụng làm phòng cách ly y tế tạm thời cho giáo viên, học sinh có các biểu hiện của nhiễm bệnh như sốt, ho, khó thở,...
* Tổ chức dạy học khi học sinh và giáo viên đến trường trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát
Phòng GD&ĐT huyện quán triệt, yêu cầu tất cả giáo viên, học sinh phải đeo khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp học và sau khi tan trường. Đặc biệt, nhà trường yêu cầu tất cả giáo viên, học sinh kê khai đã từng đi đến địa điểm nào liên quan đến vùng có dịch trong 15 ngày gần nhất. Ban phòng chống Covid -19 bố trí nhân viên y tế học đường, chi đoàn giáo viên, bảo vệ đo thân nhiệt cho tất cả giáo viên, học sinh trước khi vào khu vực trường, bố trí bàn tiếp đón học sinh, giáo viên và khu vực nghỉ tạm trước cổng trường (dành cho những học sinh, giáo viên có nhiệt độ bất thường) đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc.
Trường hợp có giáo viên, học sinh biểu hiện sốt thì bố trí ngồi tại khu vực phòng y tế hoặc phòng bảo vệ, sau 10 phút thực hiện đo nhiệt độ lại, nếu nhiệt độ bình thường thì cho giáo viên, học sinh vào trường; nếu nhiệt độ vẫn bất thường thì ghi lại thông tin về học sinh để theo dõi và liên hệ với phụ huynh đưa học sinh về nhà. Trường hợp giáo viên, học sinh có biểu hiện của yếu tố dịch tể như ho, sốt, khó thở thì ghi lại thông tin giáo viên, học sinh; hướng dẫn về phòng y tế tạm thời và liên hệ với trạm y tế để được hướng dẫn, xét nghiệm và cách ly kịp thời. Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhà trường dặn dò học sinh mạng theo cốc, ly, chai đựng nước riêng để sử dụng.
* Tổ chức dạy học khi địa bàn hết thực hiện các Chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và học sinh được trở lại trường học
Tinh thần chỉ đạo chung là tất cả các trường học xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp. Trên cơ sở thực tế, tính từ thời điểm đi học cho đến trước ngày 16/01/2022 (học kỳ 1) và trước ngày 25/05/2022 (học kỳ 2), tổ chức dạy bù chương trình phù hợp để hoàn thành kế hoạch giáo dục theo thời gian được quy định tại Quyết định số 2596/QĐ-UBND ngày 13/08/2021 của UBND tỉnh. Tùy vào tình hình cụ thể để có điều chỉnh song đảm bảo chương trình kế hoạch dạy học xây dựng từ đầu năm học.
Ưu tiên dạy bù cho những học sinh bị kẹt trong vùng giãn cách xã hội, học sinh bị cách ly, học sinh không có điều kiện học trực tuyến; sau đó đến những học sinh được học trực tuyến nhưng không nắm chắc kiến thức có nguyện vọng được học lại. Bố trí tất cả các buổi học dạy bù chương trình (từ thứ 2 đến thứ 7) đều 05 tiết, sử dụng tiết chào cờ và tiết sinh hoạt lớp để bố trí dạy học, tổ chức dạy bù trái buổi, tổ chức dạy bù vào ngày chủ nhật hàng tuần. Các các tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm có thể bố trí học sau khi kết thúc học kiến thức mới.
* Tổ chức dạy học khi địa phương đang áp dụng thực hiện Chỉ thị số 19, Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ
Tùy theo điều kiện địa phương đang thực hiện chỉ thị nào của Thủ tướng chính phủ, các đơn vị xây dựng phương án dạy học phù hợp, linh hoạt với các hình thức như dạy trực tiếp, dạy học trực tuyến và giao bài đối với học sinh không có điều kiện học trực tuyến.
Đối với những học sinh có đủ điều kiện về thiết bị để tham gia học trực tuyến thì nhà trường nắm bắt số lượng và dạy online trên các ứng dụng mở như Zoom, Google meet… Những học sinh không có điều kiện để học trực tuyến thì hướng dẫn học sinh học qua truyền hình. Với những học sinh không thể học trực tuyến và học trên truyền hình thì có thể gửi tài liệu học tập, bài kiểm tra, phiếu học tập cho học sinh tự nghiên cứu.
Thực hiện theo chỉ thị 19, nhà trường tổ chức lại lớp học trực tiếp đảm bảo không quá 25 học sinh/phòng, khoảng cách giữa học sinh không nhỏ hơn 1,5m; bố trí lệch giờ đến trường và giờ tan trường của từng khối lớp; quản lí học sinh khi ra chơi để hạn chế tiếp xúc gần. Nếu thực hiện theo chỉ thị 15, thầy cô giáo tổ chức lại lớp học trực tiếp đảm bảo không quá 20 học sinh/phòng, khoảng cách giữa học sinh không nhỏ hơn 2m; bố trí lệch giờ giờ đến trường và giờ tan trường của từng khối lớp; quản lí học sinh khi ra chơi để hạn chế tiếp xúc gần. Những học sinh bị cách ly hoặc bị kẹt trong vùng giãn cách không có điều kiện tham gia học tập tại nơi lưu trú sẽ được tổ chức dạy bù sau khi học sinh trở về trường. Nếu thực hiện Chỉ thị số 16 thì việc dạy học trực tuyến và học qua truyền hình sẽ được đẩy mạnh. Trong điều kiện thuận lợi có thể huy động cả những học sinh đã học trực tuyến nhưng chưa nắm chắc kiến thức.
Bên cạnh đó việc lựa chọn nội dung dạy học, môn học, sắp xếp lại nội dung phù hợp với điều kiện hiện tại và năng lực dạy của giáo viên, điều kiện của học của học sinh trong dạy học trực tuyến được các đơn vị quan tâm thực hiện.
* Với các trường vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn
Đối với các trường thuộc địa bàn xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy phần lớn học sinh người đồng bào Bru Vân Kiều, đời sống dân bản gặp nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế hạn chế nên việc có internet, máy điện thoại, vi tính đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, với quyết tâm và năng lực ứng dụng CNTT của cán bộ quản lý và giáo viên ở các đơn vị này, dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trực tiếp, học qua truyền hình sẽ được đẩy mạnh.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy, cho biết: Căn cứ vào thực tế của học sinh nhà trường, chúng tôi đã chỉ đạo tập huấn dạy học trực tuyến cho toàn trường. Các tổ chuyên môn và giáo viên nghiên cứu nội dung, hình thức giao bài cho học sinh ôn tập tại nhà. Theo đó, nhà trường tổ chức giao phiếu bài tập đối với 8 môn học cơ bản, bằng 2 hình thức: đối với học sinh có điều kiện sử dụng internet, giáo viên giao bài tập qua nhóm Zalo, Facebook, Gmail; phân công giáo viên mang phiếu học tập để phát cho học sinh không có điều kiện. Trong phiếu học tập theo tuần có phiếu bài tập để kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh, trên cơ sở đó để tiếp sức cho các em. Trong quá trình đi thu và phát phiếu bài tập, các giáo viên trực tiếp hướng dẫn, giải đáp những nội dung mà các em chưa hiểu; tuyên truyền nhắc nhở các em các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Khi chúng tôi khảo sát ý kiến với học sinh Hồ Văn, lớp 7 Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy, em cho biết: “Em xem trên tivi thấy các thầy cô dạy hay lại đẹp nữa. Cái gì không hiểu em nhắn tin, gọi điện cho thầy Hùng, cô Thanh, thầy Hiếu. Như năm ngoái, các em được các thầy cô đến tận nhà để phát phiếu học tập, rồi kiểm tra. Khi đến trường được thầy cô dạy lại nữa nên dễ hiểu ạ.”
Trao đổi với các cấp học trong hội nghị trực tuyến, đồng chí Nguyễn Văn Vững - Trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy, nhấn mạnh: “Việc dạy học trực tuyến là xu thế tất yếu, lâu dài, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ngành GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường, quan tâm và vận dụng linh hoạt các điều kiện thực tế để có phương án bổ sung kiến thức cho các em học sinh với phương châm và không bỏ lại học sinh nào. Ứng dụng dạy học trực tuyến được ưu tiên đặc biệt để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh và giáo viên. Đây cũng là khoảng thời gian rất cần thiết để nhà trường, các thầy cô chuẩn bị tất cả những điều kiện cần thiết để hướng dẫn, giao bài ôn tập củng cố kiến thức đã học cho học sinh, từ đó giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức mới khi tiếp tục đến trường”.
Ngô Mậu Tình